Ý TƯỞNG VỀ MÔ HÌNH LÀNG SINH THÁI TỰ CUNG TỰ CẤP

Giới tri thức tại Việt Nam đang tìm kiếm một không gian sống, có thể là ngôi nhà thứ hai nơi đạt được những tiêu chuẩn về sinh thái và quan trọng là có thể tự cung tự cấp khi phải cách ly. Họ có thể được lựa chọn những người hàng xóm ở gần mình để có thể giao thoa về tri thức cũng như những đứa con của họ có thể được tiếp xúc với những người hiểu biết rộng và học hỏi nhau hàng ngày. Thấu hiểu nhu cầu thiết yếu đó, tôi có một ý tưởng về một ngôi làng sinh thái tự cung tự cấp mong được chia sẻ đến các bạn.

1. Định nghĩa

Làng sinh thái tự cung tự cấp là một ngôi làng sinh thái mà ở đó người dân canh tác nông nghiệp theo hướng sinh thái. Lượng lương thực sinh ra đủ để cung cấp cho những người dân trong làng, ngoài ra, nếu dư thừa, người dân có thể bán ra bên ngoài để có thêm thu nhập.

2. Đặc điểm

2.1. Diện tích

Diện tích phù hợp cho làng sinh thái tự cung tự cấp khoảng 300ha, trong đó diện tích rừng chiếm khoảng 60% để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho khu vực dân cư của làng. Dân cư sinh sống tập trung thành một cụm lớn, diện tích của khu dân cư này chiếm khoảng 10 – 20% tổng diện tích. 20% – 30% diện tích còn lại hoàn toàn dành cho việc canh tác nông nghiệp và phòng thủ.
Theo tính toán trên, mỗi gia đình sẽ sở hữu 3000 – 5000m2 diện tích đất, trong đó, mỗi gia đình chỉ cần 200m2 đất ở. Lúc đó, mỗi gia đình có 2800 – 4800m2 để trồng nông sản như rau, trái cây hay đào ao nuôi cá, trữ nước,… tạo thành một mô hình vườn ao chuồng khép kín.

2.2. Điều kiện tự nhiên

Để xây dựng và phát triển làng sinh thái tự cung tự cấp thì việc đầu tiên cần tìm là vị trí xây dựng phù hợp. Vị trí xây dựng cần có là một ngọn núi đủ lớn để có một vài khe suối cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân trong làng. Nếu được, ngôi làng này nên tiếp giáp một con sông hoặc suối lớn để có thể lưu thông hàng hóa bằng đường thủy. Phần đất xây dựng làng không cần quá bằng phẳng, điều quan trọng là thảm thực vật tự nhiên tại đây phải đa dạng. Cần tránh những khu đất mà khu vực xung quanh có trồng keo vì cây keo làm giảm mực nước ngầm và lá keo gây nhiễm độc đất.

2.3. Nông nghiệp

Một ngôi làng sinh thái tự cung tự cấp cần một hệ thống tri thức am tường về canh tác nông nghiệp đa canh để tạo ra một hệ sinh thái tự nhiên về nông nghiệp có nhiều loại cây thu hoạch trong nhiều mùa khác nhau. Đất nước Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để có thể canh tác quanh năm. Điều quan trọng là người dân trong làng cần giữ được hệ sinh thái tự nhiên tuần hoàn. Lúc đó, cây trồng sẽ tự động phát triển mà chỉ cần rất ít công chăm sóc.
Nếu khu vực làng sinh thái tự cung tự cấp phù hợp để phát triển một loại cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao thì có thể gia tăng số lượng loại cây này để bán ra ngoài làng, giúp tạo nguồn thu cho dân làng. Nếu số lượng thu hoạch quá lớn thì có thể tính đến việc chế biến sau thu hoạch để tạo ra chuỗi sản phẩm mang thương hiệu của làng được công nhận bằng những chứng chỉ mang tính vùng miền, địa danh.
Tuy nhiên, không nên chuyên canh một loại cây vì một loại cây chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, yếu tố về thời tiết, khí hậu có thể ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng cây trồng trong năm, có thể gây không có nguồn thu cho dân cư trong làng.
Một lợi thế phát triển khác của nông nghiệp Việt Nam là dược liệu vì Việt Nam là
quốc gia có dược liệu mang dược tính cao nhất thế giới. Đôi khi nguồn thu từ ngành dược cao gấp nhiều lần việc bán nông sản.

2.4. Dân số

Dân số nên đa dạng về độ tuổi và ngành nghề vì ngôi làng cũng giống như một hệ sinh thái và dân số cũng là một hệ sinh thái nhỏ trong làng. Khi duy trì được hệ sinh thái về dân số thì người dân sẽ có sự giao thoa về tri thức giúp cho một ngành nghề, một công việc kinh doanh hay việc canh tác nông nghiệp,… được đóng góp bởi nhiều góc nhìn từ các nguồn tri thức khác nhau. Trong một vấn đề của làng, khi được nhìn nhận và giải quyết từ nhiều góc nhìn của các nguồn tri thức khác nhau thì giải pháp luôn mang tính đa chiều và triệt để.

2.5. Kinh tế

Kinh tế của làng tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái gắn liền với việc định vị thương hiệu của làng để tạo ra những giá trị cao hơn việc bán nông sản thô. Ngoài ra, dựa vào nông nghiệp kết hợp với nguồn tri thức đa chiều, đa ngành nghề người dân có thể tạo ra những tri thức mới về việc canh tác và giống cây trồng. Người dân có thể bán nguồn tri thức này qua các làng khác hoặc đơn giản là bán giống cây trồng mới ra những khu vực khác ngoài làng,…
Nếu Việt Nam được định danh là quốc gia về du lịch nông nghiệp thì lượng khách từ toàn bộ phần còn lại của thế giới sẽ phải qua Việt Nam để học cách đất nước chúng ta đang làm về nông nghiệp và trải nghiệm nông nghiệp hoặc làm lao động nông nghiệp kết hợp du lịch.
Nguồn thu có thể đến từ dược liệu hay ở một góc nhìn khác, du lịch nông nghiệp Việt nam khác du lịch nông nghiệp ở các quốc gia khác ở tính dược trong nông nghiệp.
Nếu làng sinh thái tự cung tự cấp có một nghề đặc trưng thì có thể phát triển làng đó thành làng nghề và tạo ra thương hiệu dành riêng cho làng. Đây là một hướng đi mang yếu tố văn hóa đặc trưng cho ngôi làng.
>> Xem Thêm :  Xu hướng phát triển du lịch Việt Nam: Lên rừng hay xuống biển

2.6. Văn hóa – giáo dục

Theo tôi, văn hóa của làng nên được để phát triển theo hướng tự nhiên và đa dạng. Vì sự đa dạng văn hóa sẽ dẫn đến những giao thoa về tri thức văn hóa cho những đứa trẻ sinh ra trong ngôi làng đó. Những đứa trẻ được sinh ra trong một ngôi làng đa văn hóa có tính cộng đồng và tư duy linh hoạt hơn, dễ hòa nhập với thế giới hiện đại hơn. Một ngôi làng có yếu tố văn hóa được coi trọng thì chắc chắn ngôi làng đó rất xem trọng yếu tố giáo dục.
Giáo dục hiện đại quan tâm đến trải nghiệm, thực nghiệm của những đứa trẻ và rất ít dạy theo lý thuyết đơn thuần. Biến đổi khí hậu đang xảy ra bất thường và không thể đoán trước. Con cháu chúng ta phải đón nhận những hậu quả của thiên tai. Nên những đứa trẻ được đào tạo theo hướng khai phóng, hiểu tự nhiên, thuận tự nhiên mới có thể sống được khi băng tan có thể làm nước biển dâng hàng chục mét.

2.7. Quy hoạch

Quy hoạch làng cần giữ lại những đặc điểm của địa hình tự nhiên bởi vì sau rất nhiều triệu năm thì địa hình tự nhiên của từng khu vực đang tồn tại ở dạng hiện tại. Đó là hình dạng bình ổn nhất thời điểm hiện tại. Quy hoạch thuận tự nhiên sẽ tránh được xói mòn, giảm được công sức cải tạo đất, giữ được cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên,…
Năng lượng sử dụng trong làng nên được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau như: điện lưới, điện mặt trời, điện gió,… để có thể chủ động về năng lượng cho làng. Khi mất nguồn năng lượng này có thể bổ sung bởi nguồn năng lượng khác mà không bị gián đoạn.
Trong quy hoạch cần tính toán được việc xử lý rác thải ngay tại làng, trong đó chia thành hữu cơ và vô cơ. Những rác thải hữu cơ được đưa vào vòng tuần hoàn tự nhiên để trả lại lòng đất, còn rác thải vô cơ thì sử dụng năng lượng để biến tính rồi tái sử dụng.
Một yếu tố quan trọng cần được tính đến là phòng thủ của làng. Khi làng cần đóng cửa với bên ngoài thì yếu tố tự cung tự cấp về năng lượng và lương thực rất quan trọng. Hay đơn giản là khi có một dịch bệnh toàn cầu khác xảy ra thì làng có thể sống sót dù không giao thương với bên ngoài trong nhiều năm.
Yếu tố thông tin liên lạc cũng rất quan trọng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Bạn có thể ngồi trong làng và làm việc với phần còn lại của thế giới hay điều hành những doanh nghiệp. Chính vì thế cần lưu ý quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc mạnh mẽ và ổn định cho làng sinh thái tự cung tự cấp.
Khi phát triển làng sinh thái tự cung tự cấp thì cũng cần tính đến những nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch để có thể bảo quản và chiết xuất tinh chất nông sản phục vụ cho nhu cầu trong làng và bán ra thị trường bên ngoài.

2.8. Kiến trúc

Kiến trúc của ngôi làng phải phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên của khu vực đó và được tính toán để đương đầu với thiên tai do sự thay đổi khí hậu đang ngày càng nhiều và mạnh hơn. Vật liệu xây dựng nên được lấy từ chính địa phương, được xử lý để phù hợp với điều kiện khí hậu đặc trưng của nơi đó. Khi sử dụng đúng được các yếu tố về kiến trúc và vật liệu cùng một số yếu tố về văn hóa thì đó chính là kiến trúc sinh ra dành cho nơi đó.
Tôi nghĩ Việt Nam đang rất cần những ngôi làng như thế này. Có thể mô hình này sẽ phát triển lên đến hàng chục nghìn ngôi làng tại Việt Nam. Đây cũng là một phương pháp giãn dân ra khỏi thành phố một cách tự nhiên. Những ngôi làng này cách thành phố khoảng 1 – 2 giờ di chuyển bằng ô tô. Ta có thể xem đây là những làng vệ tinh – tri thức có chức năng điều hòa về tri thức, tài chính và năng lượng ra những vùng ven.