Gần đây, hiện tượng farmstay đang nở rộ, trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ, được nhiều người tìm đến đầu tư. Tôi nhận thấy, nhiều người cho rằng đây là mô hình dễ đầu tư, sinh lời nhanh và đơn giản trong vận hành. Tôi nghĩ việc này cần xem xét lại vì farmstay cũng chịu những tác động từ bên ngoài như: Thị trường, nhu cầu khách hàng, khoảng cách tiếp cận, năng lực vận hành, năng lực tài chính,… Qua bài viết dưới đây, tôi mong rằng chúng ta không cần “giải cứu” farmstay khi sản phẩm farmstay tiếp cận không đúng đối tượng khách hàng.
1. ĐÁNH GIÁ GIAO THÔNG TIẾP CẬN ĐẾN FARMSTAY THUẬN LỢI CHO KHÁCH DU LỊCH KHÔNG?
Bất kể mô hình kinh doanh nào cũng có công trình hoặc tổ hợp kiến trúc được đặt trên đó. Tuy nhiên, thực sự thì một mô hình kinh doanh thành công không hoàn toàn phụ thuộc vào thiết kế kiến trúc. Điều tạo ra thành công cho nó là vị trí, vị trí và vị trí!
Khi có một vị trí thuận lợi để canh tác và thu hút được khách du lịch đến trải nghiệm farm của mình thì bạn đã nắm phần lớn thành công rồi. Chúng ta đang bàn đến việc di chuyển thuận lợi của một lượng khách du lịch đủ nhiều cho farmstay của bạn phát triển. Khách du lịch luôn lựa chọn những farmstay, địa điểm du lịch thuận tiện nhất trong chuyến đi của họ. Nếu vị trí khu đất làm farmstay của bạn có vị trí không thuận lợi hoặc không nằm trong tuyến du lịch thì cần xem xét lại việc đầu tư. Hoặc hãy nắm thêm các thông tin về định hướng du lịch của địa phương trong những năm tiếp theo, nếu thấy tuyến đường du lịch có thể tăng trưởng trong những năm tiếp theo thì đây là thời điểm để bạn đầu tư vào phần farm và chờ thời cơ để đầu tư vào phần stay.
Bạn nên khảo sát để biết được khách du lịch có nhu cầu trải nghiệm farmstay không. Lưu ý, khảo sát khách du lịch chứ không phải người thân hay bạn bè của bạn. Nếu bạn tính được lượng khách du lịch di chuyển đến thành phố gần bạn nhất đủ nhiều để có thể đến trải nghiệm farmstay của bạn thì lúc đó mới đầu tư phần stay.
Ví dụ: Nếu thành phố gần bạn có 1000 khách/ngày thì có chắc chắn rằng lượng khách đến farmstay của bạn đủ nhiều để duy trì hoạt động không? Vì họ còn nhiều điểm vui chơi và thói quen tiêu dùng khác. Hãy cân nhắc thật kỹ khi đầu tư phần stay.
2. NHẬN ĐỊNH ĐÚNG TIỀN ĐẦU TƯ CHO FARMSTAY
Tôi thấy rằng một số người đầu tư không phải nông dân, chưa có kinh nghiệm cho phần canh tác nông trại. Việc thiếu kiến thức làm bạn không thể lên kế hoạch canh tác, đoán trước rủi ro từ thiên tai, sâu bệnh gây hại. Dẫn đến thua lỗ hay nghiêm trọng hơn là mất toàn bộ phần nông sản. Việc canh tác farm có nhiều các biến số cần kiểm soát, nếu bạn không phải nông dân và chưa có kinh nghiệm thì hãy tìm một kỹ sư nông nghiệp hoặc nông dân có kinh nghiệm về canh tác farm. Khi ta nhận định đúng được điều này thì việc đầu tư của farm mới giảm thiểu được rủi ro.
Việc cân đối về đầu tư và thu hoạch từ farm cần có kiến thức về nông nghiệp, bán hàng, marketing, nếu có thêm kiến thức về thương hiệu thì càng tốt. Việc kết hợp, vận dụng các kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau giúp bạn bán nông sản của mình ở mức giá cao hơn.
Một số người nghĩ rằng, phần stay đầu tư càng ít tiền càng tốt. Việc này chưa chắc đúng vì cần xem xét ở nhiều góc độ khác như:
-
- Khi đầu tư ít tiền thì công trình đó có tồn tại lâu và ít sửa chữa?
- Khi đầu tư ít tiền thì khách hàng sẽ hài lòng khi trải nghiệm không gian đó không?
- Khi bạn đầu tư ít tiền thì việc lấp đầy khách sẽ là bao nhiêu?
- Khi bạn đầu tư ít tiền thì bạn sẽ thu tiền một phòng là bao nhiêu? Trong khi tôi biết những farmstay đã thu được của khách 2.000.000VNĐ/đêm.
…
Việc đầu tư bao nhiêu tiền cho phần stay cần được cân đối, tính toán kỹ lưỡng và được thực hiện bởi những người có chuyên môn, kinh nghiệm vì khi bạn đầu tư một phòng nghỉ, bạn cần xét qua những yếu tố sau: Đối tượng khách hàng là ai? Hình thức công trình nào phù hợp với đối tượng khách hàng đó? Họ có thể chi trả cho bạn bao nhiêu? Thời gian tồn tại của công trình ngoài mưa nắng là bao nhiêu? Khả năng chịu lực của công trình trên nền đất như thế nào? Cung cấp điện và nước cho công trình ra sao? Quan cảnh xung quanh cho khách trải nghiệm đủ hấp dẫn không? Tiện nghi bên trong công trình có đáng để trả tiền không (vị trí ổ cắm, công tắc,…)?
Tôi chưa nói đến những vấn đề khác như: Địa hình, thổ nhưỡng, hệ sinh thái, độ che phủ cây xanh, độ ồn, sự xâm nhập của côn trùng,…
Tôi không viết ra những điều này để hù dọa các bạn, tôi muốn các bạn nhận định đúng để chúng ta không phải giải cứu farmstay như giải cứu nông sản trong tương lai.
3. NHẬN ĐỊNH ĐÚNG NĂNG LỰC CẦN CÓ ĐỂ ĐIỀU HÀNH FARMSTAY
Việc vận hành farmstay rất khác việc vận hành một resort, một khách sạn hay một nhà nghỉ. Các mô hình vận hành trên chủ yếu tập trung vào dịch vụ, đẳng cấp của dịch vụ quyết định đẳng cấp của mô hình kinh doanh đó nhưng farmstay rất khác. Farmstay là mô hình khách du lịch đến trải nghiệm nông trại. Vì thế kịch bản trải nghiệm cho khách hàng là quan trọng nhất. Có một kịch bản trải nghiệm tốt giúp khách hàng ghi dấu ấn farmstay của bạn và họ có xu hướng quay lại hoặc tự giới thiệu cho người thân cùng bạn bè.
Ví dụ: Khi khách vừa đến được uống một ly trà xanh từ farm rồi được giới thiệu những công trình kiến trúc đặc sắc và cây trồng, cách canh tác,… Sau đó khách tiếp tục được dẫn về phòng để tắm thảo dược, massage chân rồi ăn một tô canh đặc biệt của trang trại. Khách hàng liên tục được trải nghiệm những thứ đặc biệt mà họ chỉ có thể tìm được ở đây mà không phải nơi nào khác.
Tôi nói đến đây không có nghĩa là bạn lại coi nhẹ dịch vụ. Dịch vụ ở đây là sự ân cần, nụ cười thật lòng, sự biết ơn của những người phục vụ đến những khách hàng khi chọn farm của mình. Bạn vẫn phải cần có đầy đủ những dịch vụ cơ bản của cơ sở lưu trú.
4. TÌM RA MÔ HÌNH KINH DOANH FARMSTAY PHÙ HỢP
Mô hình kinh doanh là (business model generation) một bức tranh tổng quan thể hiện quan hệ nhân quả trong đó bạn thấy được sự chuyển đổi giá trị của sản phẩm đến khách hàng qua những quá trình, quy trình làm việc giữa các bộ phận với nhau để chuyển tải một giá trị xuyên suốt mà bạn muốn khách hàng ghi nhớ.
Hãy tưởng tượng bạn có một sản phẩm tốt muốn mang đến đối tượng khách hàng cần nó thì cần phải marketing, bán hàng và phục vụ họ,… để lấy chi phí dịch vụ. Mô hình kinh doanh vẽ ra quá trình này cho bạn dễ hình dung.
Bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Tạo Lập Mô Hình Kinh Doanh” của Alexander Osterwalder. Đây là một cuốn sách hay, nói rõ ràng về mô hình kinh doanh và cách tạo lập nó.
Tâm thái đọc cuốn sách này là: Mỗi khi đưa thông tin vào một ô vuông thì hãy suy luận thông tin đó ảnh hưởng đến một hoặc nhiều ô vuông khác trong toàn bức tranh. Khi hiểu được điều này, bạn mới thực sự biết được cách tạo lập mô hình kinh doanh. Đây là một cách để bạn hiểu được quy luật nhân quả trong doanh nghiệp.
5. TÍNH TOÁN THỜI GIAN HÒA VỐN CỦA FARMSTAY
Điểm hòa vốn là thời điểm: Doanh thu – chi phí = 0.
Nếu bạn không thể tính điểm hòa vốn cho farmstay của mình, thì tôi khuyên bạn không nên đầu tư vì nếu không tính được điểm hòa vốn, bạn không thể biết được mình đang lỗ hay lãi. Việc không kiểm soát lỗ lãi dẫn đến không thể ra quyết định điều hành farmstay.
Ví dụ: Bạn không biết được khi bỏ một triệu đồng cho marketing thì bao nhiêu người biết đến farmstay của bạn. Trong số những người đó, có bao nhiêu người đến farmstay, một người đến farmstay sẽ tiêu dùng bao nhiêu tiền cho những dịch vụ? Nếu bạn tính được những điều này, bạn mới có thể quyết định chi bao nhiêu tiền cho marketing.
Cách tính điểm hòa vốn:
-
- Liệt kê chi phí farm;
- Liệt kê chi phí stay;
- Liệt kê doanh thu farm;
- Liệt kê doanh thu stay;
- Lấy doanh thu farm – chi phí farm (1);
- Lấy doanh thu stay – chi phí stay (2);
Điểm hòa vốn chính là khi tổng (1) và (2) bằng 0.
Tôi sẽ có một bài viết giải thích rõ ràng về lý do, cách tính điểm hòa vốn trong tương lai.
Một lưu ý cuối cùng trước khi tôi viết kỹ hơn về điểm hòa vốn là: Hãy chú ý liệt kê thật kỹ những chi phí tiềm ẩn như: Chi phí mua một cây cuốc, một cây xẻng,… Những khoản tiền rất nhỏ nhưng cũng cần liệt kê vào chi phí vận hành farmstay bởi nhiều chi phí nhỏ cũng tạo nên khoản tiền khổng lồ.