Với tôi, quy hoạch là một phạm trù rất lớn và cũng rất chi tiết. Trong quá trình làm quy hoạch, tôi đã đặt những câu hỏi cho chính mình rằng: Làm cách nào để quy hoạch một quốc gia và làm cách nào để quy hoạch được một làng. Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra, việc quy hoạch một làng cũng có phương thức tương tự việc quy hoạch một quốc gia. Tôi sẽ nói chi tiết một chút về việc: Để quy hoạch một làng cần nghiên cứu những yếu tố gì? Còn “làm sao để quy hoạch một quốc gia” vì tôi chưa thể trình bày được.
Quy hoạch một làng hay một quốc gia cần dựa vào năng lực là nhìn nhận tổng thể của toàn bộ những giá trị tác động lên vùng đất. Và thông thường, đó là những tầm nhìn hàng chục năm, nếu không muốn nói là hàng trăm năm.
Để quy hoạch một làng, việc đầu tiên chúng ta cần làm là:
1. Giá trị tự nhiên
Nhận định được những giá trị tự nhiên của vùng đất đó như: Thổ nhưỡng, khí hậu, thảm thực vật, vị trí của mạch nước ngầm bên dưới lòng đất,…
2. Văn hoá
Bóc tách, nghiên cứu và đề xuất những hướng bảo tồn, phát huy các yếu tố văn hóa của vùng đất đang nghiên cứu. Thông thường tôi làm điều này với một chuyên gia nghiên cứu văn hóa của vùng đất đó. Vì tôi hiểu rằng mình không thể có nhiều tri thức về lĩnh vực này bằng các chuyên gia nghiên cứu văn hóa bản địa được.
Việc tiếp theo là nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố văn hóa đời thường như: Những sinh hoạt hàng ngày, ẩm thực, lễ hội, tôn giáo,… Đây chính là những nguyên liệu quan trọng để quyết định niềm tin về tâm linh của một vùng đất. Khi một đề án quy hoạch đặt yếu tố tâm linh vào đúng vị trí thì cư dân của vùng đất đó sẽ cảm thấy yên ổn, an bình. Khi con người được yên ổn, an bình thì họ sống chuẩn mực hơn và không gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội.
3. Dân số
Nội dung cần làm tiếp theo là dự kiến về mức độ gia tăng dân số. Khi số người trên một diện tích tăng lên thì áp lực của dân số vào hệ sinh thái của làng có thể làm giảm sự đa dạng sinh thái, tăng mức độ ô nhiễm môi trường,… và dẫn đến giảm chất lượng về không gian sống trong một ngôi làng. Vậy nên, nhờ vào việc dự kiến về mức độ gia tăng dân số, chúng ta có thể dự đoán được lượng chất thải, rác thải, diện tích đất ở sẽ tăng bao nhiêu, diện tích đất công cộng phục vụ cho cư dân của làng,… Quan điểm của tôi về việc xử lý rác thải là xử lý tại chỗ. Rác thải hữu cơ được cung cấp lại vào trong lòng đất và rác thải vô cơ được biến tính để tái sử dụng.
4. Kinh tế
Chúng ta cũng cần phân tích về các chuỗi giá trị trong hệ thống kinh tế của làng để có thể tạo ra một hệ sinh thái về kinh tế ngay bên trong làng. Hệ sinh thái về kinh tế được xây dựng trên nền tảng là các giá trị cốt lõi của làng. Trong đó, các giá trị cốt lõi của làng xoay quanh tâm điểm là giá trị sinh ra từ tự nhiên. Mỗi vùng đất tự nhiên đều sinh ra những sản phẩm đặc trưng mà chỉ nơi đó có được (cây cối, thổ nhưỡng, động vật,…). Nền kinh tế tuần hoàn tự nhiên của một ngôi làng phát triển khi và chỉ khi dựa vào những sản phẩm đặc trưng của vùng đất đó để phát triển những ngành nghề khác.
5. Kiến trúc
Đánh giá về kiến trúc truyền thống dựa vào những tài liệu, hình ảnh và những phân tích thực địa của một nhóm nghiên cứu về kiến trúc để ghi nhận lại những yếu tố bản địa, vật liệu bản địa, những quan niệm về không gian sống, không gian công cộng và các không gian sinh hoạt khác của ngôi làng. Từ những ghi nhận, thông tin về kiến trúc bản địa để phân tích, chúng ta mới có những gợi ý về phát triển các yếu tố kiến trúc trong làng.
6. Tri thức
Đánh giá về hàm lượng trí tuệ của làng: Những tri thức nào là những tri thức cần được ghi nhận và đăng ký để sử dụng chung cho làng. Và những tri thức nào là của cá nhân thì định hướng để sử dụng riêng cho cá nhân hoặc đóng góp vào tập thể. Với một ngôi làng có truyền thống càng lâu đời thì hàm lượng tri thức trong ngôi làng đó thường rất cao. Khi ta ghi nhận và quản trị được những tri thức này thì giá trị của làng đã được tăng lên rất nhiều lần.
7. Trò chuyện với những người cao tuổi
Từ bước 1 đến bước 6 là quá trình thu thập các dữ liệu quan trọng cùng và một số yếu tố đặc trưng khác khi trò chuyện với những người cao tuổi trong làng để thực hiện những phân tích quy hoạch. Sau đó, chúng ta ghi nhận các dữ kiện về giao thông hiện có để có thể đưa ra những quyết định về mở rộng các mạng lưới giao thông sau này.
Tôi mong muốn làm ra những đề án quy hoạch có yếu tố văn hóa, thảm thực vật tự nhiên, giáo dục để phát triển những vùng đất trở nên thịnh vượng, giúp cho những bà con sống trong những khu làng được an bình, phát triển về tri thức và ngày càng thịnh vượng. Bài viết trên đây không có những nội dung mang tính hàn lâm mà xuất phát từ chính những kinh nghiệm thực tế được tôi rút ra trong quá trình nghiên cứu những ngôi làng và các vùng đất. Tôi rất mong nhận được sự góp ý từ các chuyên gia khác. Tôi cũng rất hoan nghênh các chuyên gia từ những lĩnh vực trên tham gia cùng tôi để phân tích những ngôi làng và cùng đưa ra những định hướng phát triển những vùng đất trong tương lai.